Thanh long là loại cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao. Bình quân mỗi vườn thanh long diện tích 1ha cho thu hoạch từ 20 -26 tấn mỗi năm. Trong đó thanh long hàng mùa (từ tháng 5 đến tháng 11): khoảng 14-16 tấn, Hàng thanh long chong đèn (từ tháng 11-4 năm sau) khoảng 6-10 tấn. Thanh long thường được trồng tại các khu vực có thổ nhưỡng là đất xám hoặc đất cát pha (Binh Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…). Cùng Sản Phẩm Lợi Dân cập nhật kỹ thuật trồng thanh long đầy đủ nhất năm 2023.

Giới thiệu về cây Thanh Long

Thanh long một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. Thanh long là loài thực vật bản địa tại México, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, loài cây này cũng được trồng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia (đặc biệt là ở miền tây đảo Java); miền nam Trung Quốc, Đài Loan và một số khu vực khác.

Cây thanh long
Cây thanh long

Nguồn: Wikipedia tiếng Việt

Giá trị dinh dưỡng của quả Thanh Long

Quả thanh long có vị ngọt thanh, dịu. Phù hợp với rất nhiều đối tượng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g ruột quả Thanh Long chứa 264 calo, 3,57 g sắt, 82,14 g carbohydrate, 1,8 g chất xơ, 82,14 g đường, 107 mg canxi, 30 mg natri, 6,4 mg vitamin C, không cholesterol và chất béo.

Các loại Thanh Long tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Thanh Long có 2 loại chính là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Kỹ thuật trồng 2 loại thanh long này tương đối giống nhau nên bài viết này sẽ đề cập chung.

Quả thanh long là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng
Quả thanh long là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng

Thị trường thanh long ruột đỏ năm 2023

Năm 2023, sau khi chính sách Zero Covid của Trung Quốc chính thức bị dỡ bỏ, giả thanh long ruột đỏ hàng xuất được cải thiện rất nhiều so với năm 2022. Cụ thể theo cập nhật giá thanh long ruột đỏ tháng 2/2023.

Thanh long xuất loại 1 (quả lớn 2 quả/kg, tai xanh lớn, không sầy, không cháy nám): 35.000đ/kg –  năm 2022: trung bình 13.000đ/kg

Thanh long loại 2 (3 quả/kg, tai xanh, không sầy) : 28.000đ/kg

Kỹ thuật trồng Thanh Long đầy đủ nhất năm 2023

Chuẩn bị đất trồng thanh long

Đất trồng thanh long là yếu tố cực kỳ quan trọng khi bạn muốn trồng bất cứ loại cây nào. Trồng Thanh Long cũng vậy, đất trồng Thanh Long phải là loại đất xám (có nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ) hoăc đất cát pha (Bình Thuận…).

Đối với vùng đất cao (như Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai): Phần lớn ở các tỉnh này là đất xám bạc màu, đất cát pha hoặc đất núi, đất dốc dễ xói mòn, rửa trôi nên cần phải lên bồn để trống bị rửa trôi, bón nhiều phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất. Chuẩn bị đất bao gồm cắm cọc, đào lỗ, xuống trụ. Sau khi chôn trụ xong, đào quanh trụ sâu 20 cm, rộng 1,5 cm; bón lót phân chuồng, phủ đất và đặt hom.

Còn vùng đất thấp, nhiễm phèn (như Tiền Giang, Long An…): Đất thấp cần phải lên liếp (mô) trước khi trồng; liếp trồng phải cách mặt ruộng khoảng 40 cm để đề phòng ngập nước trong mùa mưa. Đất phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất phèn là cỏ tranh, cỏ ống, cỏ sâu róm,..

Thiết kế hệ thống tưới

Hệ thống tưới trong trồng thanh long là yếu tố cực kỳ quan trọng, bất kỳ vườn thanh long nào cũng có ít nhất 02 loại.

Hệ thống tưới nhỏ giọt (một số nhà vườn gọi là tưới tự động)

Hệ thống tưới nhỏ giọt thường được dùng sau khi bón phân NPK giúp phân nhanh tan vào đất, những ngày nắng kéo dài. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống tưới nhỏ giọt đó chính là sự tiện lợi. Bạn có thể ngồi 1 chỗ và bấm nút để toàn bộ hệ thống tự chạy. Công suất máy bơm cần dùng cho hệ thống tưới nhỏ giọt khoảng 1000 trụ rơi vào tầm 2HP (2 ngựa, 1.5Kw).

Hệ thống tưới tự động
Hệ thống tưới tự động

Hệ thống tưới vòi (tưới tay)

Hệ thống tưới vòi thường được sử dụng để “rửa trái” vào những lúc sắp thu hoạch để ngăn ngừa bệnh khói đèn và sau khi bón phân lá cho trái. Giúp trái sáng đẹp có giá trị hơn và đỡ bị “lái” ép giá hơn :D. Thông thường hệ thống tưới tay thường được thiết kế ở giữa 4 hàng hoặc ở giữa 6 hàng để tối ưu chi phí. Công suất máy bơm cho hệ thống tưới tay trong vườn thanh long cho 2 vòi tưới cùng lúc rơi vào khoảng 3HP (3 ngựa, 2.25kw) – Thông số trên dùng trong hệ thống tưới có đường ống chủ 60mm và đường ống tưới 35mm, đây là lưu ý cực kỳ nếu như công suất của máy bơm lớn hơn công suất tải của ống có thể làm vỡ ống sẽ rất phiền phức và mệt mỏi mỗi khi tưới. Bạn sẽ không muốn mình bụ ướt như chuột mỗi khi tưới thanh long đâu nhỉ.

Chọn hom giống

Phương pháp nhân giống Thanh Long phổ biến tại Việt Nam đó là bằng hom. Hom giống được chọn thường ở những cành có tuổi từ 2-3 năm tuổi, mỗi hom có độ dài từ 50-70 cm hom mập, có màu xanh đậm, không có khuyết tật, sạch sâu bệnh; các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt. Hom sẽ được gọt lớp bên ngoài 1 đầu, đầu được gọt là đầu gần với trụ thanh long hơn (đầu già hơn). Sau đó, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 – 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ tơ thì đem trồng.

Phương pháp trồng Thanh Long

Trồng thanh long theo trụ

Trồng thanh long theo trụ là phương pháp thông dụng nhất. Đặt 4 hom quanh 4 phía của trụ, cao hơn mặt đất 0,5 cm để tránh thối gốc. Áp phần phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ để sau này hom ra rễ bám nhanh vào trụ. Dùng dây nilông hoặc dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để tránh gió làm lung lay, sau đó tưới nhẹ và tủ rơm hoặc cỏ khô để giữ ẩm.

Có 2 cách trồng theo trụ đó là trồng đều  và trồng so le. Trồng thanh long dạng đều nghĩa là hàng cách hàng trung bình 3m cây cách cây trung bình 3m. Ưu điểm của phương pháp này là giúp vườn thoáng đãng, dễ dàng chăm sóc từng cây thích hợp để trồng diện tích lớn

Trồng thanh long theo trụ đều
Trồng thanh long theo trụ đều

Trồng thanh long theo trụ so le có nghĩa là trừ đường tưới những hàng còn lại nằm sole với nhau. Ưu điểm của phương pháp này đó chính là tiết kiệm được diện tích, dành cho những vườn có diện tích bé và muốn tối ưu hiệu suất trên diện tích.

Trồng thanh long sole
Trồng thanh long sole

Trồng theo giàn

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long.

Chế độ nước

Thanh long là loại cây cần chế độ nước lớn, nhưng không chịu được úng, mặc dù là cây chịu hạn nhưng trong điều kiện nắng hạn kéo dài mà không tưới nước, cây thanh long sẽ mất sức, sinh trưởng kém, giảm khả năng ra hoa, đậu quả và năng suất.
Trên các chân đất phèn như ở Long An và Tiền Giang, do mực nước ngầm cao, mùa mưa hầu như không cần tưới và mùa khô chỉ tưới với cường độ thấp, tùy theo ẩm độ và kết cấu của đất, 3 – 7 ngày tưới một lần. Hiện nay, vụ quả nghịch tạo ra từ việc thắp đèn thường rơi vào giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô, cần phải chủ động nước tưới cho vườn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Riêng ở Bình Thuận, giai đoạn tưới nước kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 dương lịch, nằm trong mùa khô nên việc lựa chọn địa điểm thiết lập vườn cần phải chú ý đến nguồn nước tưới. Thông thường các nhà vườn nên có hồ chứa để dự trữ nước cho mùa khô.

Nên đào hồ để dự trữ nước cho mùa khô
Nên đào hồ để dự trữ nước cho mùa khô

Chế độ phân bón

Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn kiến thiết cơ bản là giai đoạn từ khi trồng đến khi cây 2 năm tuổi.

Năm thứ 1:
Phân hữu cơ: Bón lót một ngày trước khi trồng và khoảng 6 tháng sau khi trồng, với liều lượng 10 -15 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 1 – 2 kg/trụ. Nếu chọn phân chuồng thì nên chọn phân dê cho giai đoạn này vì hàm lượng 
Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 50 – 80 gam urea + 100 – 150 gam NPK 20-20-15/trụ. Rải phân xung quanh gốc (cách gốc 20 – 40 cm), dùng rơm hay mụn dừa phủ lên và tưới nước ướt đẫm cho phân tan.

Phân NPK 20-20-15 + TE cho thanh long
Phân NPK 20-20-15 + TE cho thanh long

Năm thứ 2:
– Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối) mùa mưa, với liều lượng 15 – 20 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 4 kg/trụ. 
– Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 80 – 100 gam urea + 150 – 200 gam NPK 20 – 20 – 15/trụ.
Bón phân giai đoạn thu hoạch
Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối) mùa mưa, với liều lượng 20 – 30 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 5 kg/trụ.
Phân hoá học:
– Giai đoạn trước khi ra hoa: Tỷ lệ NPK thích hợp cho giai đoạn này là (1:2:2) hoặc (1:3:2).
– Giai đoạn nuôi nụ và nuôi trái: Sử dung phân bón có tỷ lệ N và K cao hơn P với tỷ lệ (3:1:2), (2:1:2), (2:1:3), (1:1:1); thêm chất điều hoà sinh trưởng GA3, NAA lúc nhú nụ và khi kết thúc thụ phấn.

Kỹ thuật bón phân:

Mùa thuận (chính vụ), chia làm 4 lần bón:
– Lần 1: Sau khi kết thúc vụ nghịch (đợt thắp đèn cuối cùng), tùy tình trạng sức khoẻ của cây, có thể áp dụng một trong các tỷ lệ NPK (1:1:0,75) như NPK 20 – 20 – 15 + TE; tỷ lệ (2:2:1) như NPK 16 – 16 – 8 + TE, với lượng dùng từ 400 – 500 g/trụ. Kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng N cao như NPK 30 – 10 – 10 từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.
– Lần 2: Trước khi cây ra hoa, bón 400 – 500 gam/trụ phân NPK 20 – 20 – 15 + TE hoặc 500 – 700 gam phân NPK 16 – 16 – 8 + TE, có thể sử dụng thêm phân bón lá có hàm lượng P cao như NPK 10 – 60 – 10.
– Lần 3: Khi cây đã có nụ hoa, bón 300 – 400 gam/trụ phân NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE hay NPK 15 – 15 – 15 + TE.
– Lần 4: Bón cách lần thứ 3 khoảng 40 – 45 ngày, với lượng 300 – 400 gam/trụ NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo.

Mùa trái vụ (thắp đèn):
– Lần 1: Trước khi thắp đèn 15 ngày, bón 400 – 500 gam phân NPK 8 -16 – 16 + TE, có thể bổ sung phân bón qua lá như NPK 10 – 60 – 10 + TE hay NPK 6 – 30 – 30 + TE theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
– Lần 2: Khi cây đã bung nụ hoa, khoảng 3 – 5 ngày sau khi ngưng đèn, bón 400 – 500 gam/trụ phân NPK 18 – 6 – 12 + TE hoặc 300 – 500 gam phân NPK 22 – 10 – 24 + TE, bổ sung thêm phân bón qua lá NPK 30 – 10 – 10, phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần.
– Lần 3: Bón cách lần 2 khoảng 40 – 45 ngày với lượng 300 – 400 gam/ trụ NPK 24 – 10 – 20 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi – Bo.

Thanh long đang trong vụ thắp điện
Thanh long đang trong vụ thắp điện

Phủ gốc

Phủ gốc giúp cho cây giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, bổ sung chất hữu cơ cho đất và góp phần khắc phục được hiện tượng thiếu nước tưới cho vùng trồng thanh long, nhất là ở những vùng có mùa khô hạn kéo dài. Sử dụng rơm, mụn dừa, cỏ khô, bèo lục bình để tủ quanh gốc hoặc phủ trên toàn mặt liếp. Cũng có thể kết hợp tiến hành tủ gốc cho thanh long ngay sau khi bón phân hữu cơ để tránh được sự phân huỷ nhanh lượng mùn trong phân dưới ánh nắng trực tiếp.

Các vật liệu phủ gốc rất đa dạng, bạn có thể dùng rơm, xơ dừa hoặc bạt trải diệt cỏ LLD để phủ quanh gốc. Mỗi loại có ưu nhược điểm riêng. Rơm và xơ dừa thì thông dụng, nhưng phải phủ rơm sau mỗi 6 tháng. Bạt trải diệt cỏ có thể phủ với thời gian từ 5-7 năm, tuy nhiên sẽ tốn công mỗi khi bón phân hóa học dạng hạt.

Phủ rơm quanh gốc thanh long
Phủ rơm quanh gốc thanh long

Tỉa cành, tạo tán

Sau trồng 2 – 3 tuần, khi cây đã ra nhiều chồi, tiến hành tỉa bỏ những chồi yếu, nhỏ, nhánh nảy ngang (nhánh tai chuột), chỉ để lại 2 – 3 chồi có bẹ to, khoẻ, cho leo lên giàn trụ để tạo tán sau này.

– Uốn cành: Khi cành dài vượt khỏi đỉnh trụ khoảng 30 – 40 cm tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên thực hiện vào lúc trưa nắng, khi đó cành mềm dễ uốn cong xuống, có thể dùng dây ni lông hoặc dây vải để buộc lại để tạo tán cây hình dù. Biện pháp này còn giúp cây mau ra chồi mới.
– Tỉa cành: Từ năm thứ 2 trở đi, tiến hành tỉa nhẹ đồng thời tạo tán và định hình cho cây, loại bỏ các cành đã cho quả, nằm khuất bên trong, đến cuối năm thứ 3 mỗi trụ để lại khoảng 100 cành. Có 3 cách tỉa cành cho thanh long giai đoạn kinh doanh là tỉa đau, tỉa lựa và tỉa sửa cành.
– Tỉa đau: Thực hiện sau đợt thu hoạch quả (trái) hoặc ngay trước đợt thu cuối cùng (khoảng tháng 8 hoặc đầu tháng 9). Tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành ốm yếu và sâu bệnh nằm khuất bên trong tán, chỉ giữ lại những cành tốt (khoảng 60% tổng số cành trước khi tỉa). Dùng liềm hoặc dao chặt ¾ chiều dài cành cần tỉa bỏ (cách gốc cành 30 cm). Tiếp đó, khi các cành non đã nảy ra từ phần gốc cành giữ lại, chọn để lại 1 – 2 chồi mới, khỏe, mọc cách xa nhau, các chồi còn lại tỉa bỏ.

Ưu điểm: dễ thực hiện, nhanh, ít tốn kém thời gian và công lao động.

Nhược điểm: sau nhiều năm các gốc cành chừa lại sau, tỉa sẽ chồng lên nhau và làm cho bụi thanh long bị đôn cao lên.
– Tỉa lựa: Thường xuyên kiểm tra vườn, tỉa bỏ các cành yếu, cành bị sâu bệnh bằng dao hoặc liềm để tập trung dinh dưỡng nuôi cành tơ và quả.

Ưu điểm: tạo được khung tán cân đối, thông thoáng trụ, không bị đôn cao.

Nhược điểm: tốn nhiều công lao động.
– Tỉa sửa cành: Tỉa bỏ những cành mới ra, cành mọc lòa xòa chiếm lối đi trên các cành mẹ (cành sừng trâu) đã ra quả, chỉ để lại 1 – 2 cành con cách xa nhau và phân bố đều trên 1 cành mẹ để tập trung dinh dưỡng
nuôi quả.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cành nhánh có thể mọc lệch, tập trung về một bên, vì vậy thường xuyên sắp xếp lại cho đều về các hướng, đảm bảo thu nhận ánh sáng tốt trên toàn cây. Thường xuyên kiểm tra sau các đợt thu quả, cắt ngắn các cành phát triển quá dài để không cho các trái ở đầu mút tiếp xúc với mặt đất (vết cắt cách mặt đất khoảng 40 cm)

Tỉa nụ, quả

Sau khi nhú 5 – 7 ngày, tiến hành tỉa bỏ các hoa dị dạng, bị sâu bệnh và tỉa bớt trên những cành có quá nhiều hoa, để lại những hoa phát triển tốt, mọc cách xa nhau. 5 – 7 ngày sau khi nở, tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1 – 2 quả phát triển tốt, không sâu bệnh. Nếu để quá nhiều quả trên cành, kích thước quả nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 Làm cỏ

Làm cỏ là công đoạn cực kỳ quan trọng trong toàn bộ kỹ thuật trồng thanh long. Cỏ mọc nhiều cạnh tranh chất dinh dưỡng với thanh long ở trong bồn. Làm nơi trú ngụ cho côn trùng, tạo môi trường ẩm ướt cho các loại nấm phát triển đặc biệt là nấm gây bệnh đốm trắng. Cỏ cũng là nơi trú ngụ của bọ trĩ, rệp, rầy và các loại côn trùng khác. Vì thế, việc làm cỏ luôn là ưu tiên số 1 trong kỹ thuật trồng thanh long.

Tổng kết

Thanh long là một trong những loại cây thuộc hàng khó trồng, và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cũng rất lớn. Quả thanh long cần phải được chăm sóc kỹ. Lần cập nhật kế tiếp, Lợi Dân sẽ chia sẻ kỹ thuật sử dụng phân bón lá, và các kỹ năng liên quan đến chăm sóc quả thanh long chính vụ và trái vụ. Kính mời bà con đón xem.

Đôi nét về Sản phẩm Lợi Dân:

Lợi Lợi Dân là một trong những doanh nghiệp tiên phong hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp. Đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

? Quý khách có nhu cầu mua lưới che nắng với số lượng lớn xin liên hệ trực tiếp để nhận được báo giá tốt nhất:

Công ty TNHH Lợi Lợi Dân

? Địa chỉ: 33 & 35 Đường số 59B, P. Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP.HCM

☎ Hotline: 028 7108 1616

Website: www.loiloidan.vn

Mọi chi tiết Liên hệ Fanpage Sản Phẩm Lợi Dân
[contact-form-7 id=”7218″ title=”Form liên hệ 2″]