Nội Dung Bài Viết
Giới thiệu chung về dưa hấu
Cây dưa hấu (Citrullus lanatus) là một loại cây leo thuộc họ Cucurbitaceae, được trồng chủ yếu để thu hoạch trái dưa hấu, một loại quả mát lạnh và giàu nước, đặc biệt phổ biến trong mùa hè. Dưa hấu có xuất xứ từ miền nhiệt đới châu Phi, và nó đã trở thành một phần quan trọng của ẩm thực và thức uống trên khắp thế giới.
Dưa hấu, một loại trái cây thơm ngon, ngọt mát, quen thuộc với người dân Việt Nam, không chỉ là món giải khát lý tưởng trong những ngày hè nóng bức mà còn chứa đựng nhiều giá trị dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe.
Nguồn gốc và lịch sử: Dưa hấu có nguồn gốc từ vùng sa mạc châu Phi và được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời. Từ những quả dưa hấu nhỏ bé, vỏ dày, ruột đỏ thẫm ban đầu, trải qua quá trình lai tạo và chọn lọc, dưa hấu ngày nay đã đa dạng về chủng loại, với nhiều đặc điểm riêng biệt về hình dáng, màu sắc, vị ngọt và thời gian sinh trưởng.
Giá trị dinh dưỡng: Dưa hấu giàu nước, vitamin A, C, B1, B6, kali, magie, chất chống oxy hóa,… giúp bổ sung nước, giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng, tốt cho tim mạch, huyết áp, đường ruột.
Yêu cầu về khí hậu, đất đai và nước: Dưa hấu là loại cây ưa sáng, nóng, ẩm.
Khí hậu: Nhiệt độ lý tưởng cho dưa hấu sinh trưởng là từ 25 – 30 độ C, lượng mưa trung bình từ 1.000 – 1.500 mm/năm.
Đất đai: Dưa hấu thích hợp với đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, pH từ 6,0 – 7,0.
Nước: Dưa hấu cần lượng nước tưới đủ, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, cần tránh tưới nước quá nhiều, dễ gây úng, thối rễ.
Chuẩn bị đất trồng
Bước đầu tiên để có một vụ dưa hấu thành công là lựa chọn và chuẩn bị đất trồng phù hợp.
Chọn đất: Để tránh tình trạng đất bị nhiễm bệnh, cạn kiệt dinh dưỡng, người trồng dưa nên áp dụng phương pháp luân canh, tức là trồng dưa hấu xen kẽ với các loại cây trồng khác họ, như lúa, ngô, cây họ đậu. Điều này giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất.
Chuẩn bị đất:
Thu dọn tàn dư: Sau khi thu hoạch vụ trước, cần dọn sạch tàn dư cây trồng, nhặt bỏ cỏ dại để tránh mầm bệnh và côn trùng gây hại.
Cày phay: Cày phay đất thật tơi xốp, giúp đất thoáng khí, dễ dàng hấp thu nước và dinh dưỡng.
Lên luống: Dưa hấu thường được trồng trên luống cao để tạo điều kiện thoát nước tốt, hạn chế ngập úng.
Luống đơn: rộng 2,5 – 3 m.
Luống kép: rộng 4,5 – 6 m.
Hình mui luyện: tạo độ dốc nhẹ giúp thoát nước hiệu quả.
Rãnh: Rãnh rộng 30 cm, sâu 25 cm, giúp thoát nước và thuận tiện cho việc tưới tiêu.
Hướng luống: Nên đặt luống theo hướng Đông – Tây để cây dưa hấu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách tối ưu.
Bón lót phân bón: Bón lót là việc cung cấp dinh dưỡng cho đất trước khi trồng dưa hấu. Nên sử dụng phân hữu cơ sinh học kết hợp với phân hóa học như phân lân super, phân đạm, phân kali để đất đủ dinh dưỡng, cây dưa phát triển khỏe mạnh.
Phủ bạt chống cỏ: Phủ bạt chống cỏ là một kỹ thuật tiên tiến giúp cải thiện điều kiện sinh trưởng cho cây dưa hấu:
Giữ ẩm: Bạt phủ giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế bốc hơi nước.
Giữ ấm: Màng phủ giúp giữ ấm cho đất vào mùa lạnh, thúc đẩy sự phát triển của cây dưa.
Ngăn cỏ dại: Màng phủ hạn chế sự phát triển của cỏ dại, giảm công chăm sóc.
Ngăn rửa trôi dinh dưỡng: Màng phủ giúp đất không bị rửa trôi dinh dưỡng khi mưa.
Xem thêm: Bạt phủ đất chống cỏ
Việc chuẩn bị đất trồng kỹ lưỡng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho dưa hấu sinh trưởng và phát triển, từ đó cho năng suất cao, trái ngọt, đẹp mã.
Thời vụ trồng
Thời vụ trồng dưa hấu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và năng suất của cây. Tùy vào điều kiện khí hậu từng vùng miền, người trồng dưa nên lựa chọn thời vụ phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.
Vụ Xuân Hè:
Gieo hạt: Cuối tháng 2.
Trồng cây con: 10 – 15/3.
Thu hoạch: Cuối tháng 5.
Vụ này là vụ chính của dưa hấu do thời tiết thuận lợi, nhưng cần lưu ý đề phòng ngập úng.
Vụ Hè:
Trồng: Giữa tháng 6.
Thu hoạch: Cuối tháng 7.
Vụ này thích hợp cho vùng trồng dưa hấu ở Đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên cần lưu ý mưa nhiều dễ gây ngập úng.
Vụ Đông:
Gieo hạt: Cuối tháng 8.
Trồng: Đầu tháng 9.
Thu hoạch: Cuối tháng 11, đầu tháng 12.
Vụ này chỉ phù hợp với vùng có người dân có kinh nghiệm thâm canh dưa hấu do thời gian gieo trồng ngắn, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Việc lựa chọn thời vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền sẽ giúp cây dưa hấu phát triển tốt, năng suất cao, đảm bảo chất lượng trái.
Mật độ, khoảng cách
Mật độ và khoảng cách trồng dưa hấu là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây. Việc bố trí cây trồng hợp lý giúp cây nhận đủ ánh sáng, không khí, dinh dưỡng, hạn chế sâu bệnh và thuận tiện cho việc chăm sóc.
- Khoảng cách trồng phù hợp: 2,5 – 3 m x 0,5 m (hàng cách hàng 2,5 – 3 m, cây cách cây 0,5 m).
- Mật độ trồng: 6.500 – 9.000 cây/ha.
- Khoảng cách và mật độ phù hợp sẽ tạo điều kiện cho cây dưa hấu phát triển cân đối, lá xanh tốt, cây khỏe mạnh, tăng khả năng quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng, tăng năng suất và chất lượng trái.
Lưu ý:
Nên trồng dưa hấu theo hàng thẳng, thẳng góc với hướng luống để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch.
Khi trồng nên chú ý đến hướng luống, hướng nắng, gió để cây dưa hấu nhận đủ ánh sáng và tránh gió lật dây.
Việc lựa chọn mật độ, khoảng cách trồng phù hợp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho dưa hấu sinh trưởng và phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phân bón
Phân bón đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa hấu sinh trưởng và phát triển, cho năng suất và chất lượng trái cao.
Lượng phân bón cho 1 ha:
Phân hữu cơ sinh học: 2.000 kg
Đạm urê: 248 kg
Lân super: 750 kg
Kaliclorua: 300 kg
Phân bón lá: 28 gói
Cách bón:
Bón lót: Bón lót trước khi trồng nhằm cung cấp dinh dưỡng cho đất, tạo điều kiện cho cây con phát triển khỏe mạnh. Nên bón lót 100% phân hữu cơ sinh học + 100% phân lân super + 20% phân đạm + 20% phân kali.
Bón thúc: Bón thúc nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây trong quá trình sinh trưởng và phát triển, giúp cây ra hoa, đậu quả nhiều.
Lần 1: Bón thúc 10% phân đạm sau 10 ngày trồng.
Lần 2: Bón thúc 30% phân đạm + 30% phân kali sau 15 ngày trồng.
Lần 3: Bón nốt lượng phân đạm và kali còn lại khi cây ra hoa.
Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 ngày sau trồng, phun thêm phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho quả phát triển đều, đẹp mã.
Lưu ý:
Nên sử dụng phân bón cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Bón phân đúng liều lượng, đúng thời điểm, tránh bón quá nhiều hoặc quá ít.
Bón phân kết hợp với tưới nước để phân dễ dàng tan và cây dễ hấp thu.
Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế sử dụng phân hóa học để bảo vệ môi trường.
Việc bón phân hợp lý giúp cây dưa hấu phát triển khỏe mạnh, năng suất cao, quả ngọt, đẹp mã, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tưới nước & chăm sóc
Tưới nước và chăm sóc là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của vụ dưa hấu. Cây dưa cần được cung cấp đủ nước và chăm sóc chu đáo để phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao, trái đẹp, ngon ngọt.
Tưới nước:
Phương pháp tưới: Tưới tràn vào rãnh là phương pháp đơn giản, hiệu quả, giúp nước thấm đều vào đất.
Tần suất tưới: Tưới 1 tuần 1 lần là tần suất phù hợp, tùy theo điều kiện thời tiết, đất đai mà có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Tưới khi dưa có quả: Khi dưa có quả, cần tưới nước đều đặn để đảm bảo cây đủ ẩm, quả phát triển tốt.
Ngừng tưới trước thu hoạch: Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch 5 ngày để dưa hấu chín đều, vỏ cứng, bảo quản được lâu.
Chăm sóc:
Làm cỏ: Làm sạch cỏ rãnh dưa để hạn chế cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây dưa hấu, tạo điều kiện thông thoáng cho cây sinh trưởng.
Tỉa nhánh: Tỉa bớt nhánh thừa để tránh tiêu hao dinh dưỡng, tập trung dinh dưỡng cho quả phát triển, hạn chế sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây quang hợp tốt.
Định hướng dây: Lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để giữ cho dây dưa không bị gió lật, giúp cây phát triển thẳng đứng, thuận tiện cho việc chăm sóc.
Thụ phấn: Thụ phấn bổ sung bằng tay vào buổi sáng 6 – 9 giờ, khi dây dài 1,5 m, giúp cây đậu quả nhiều, quả đều.
Định quả: Chọn quả, mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 – 4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh, giúp quả phát triển đều, chất lượng tốt.
Lưu ý:
Nên theo dõi cây dưa thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề như sâu bệnh, tưới nước, bón phân.
Sử dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, như phủ màng nông nghiệp, tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả chăm sóc.
Việc tưới nước và chăm sóc đúng cách giúp cây dưa hấu phát triển khỏe mạnh, năng suất cao, trái ngon ngọt, góp phần tạo ra những vụ mùa bội thu.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu bệnh là mối nguy hại thường gặp khi trồng dưa hấu, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái. Việc phòng trừ sâu bệnh kịp thời là điều cần thiết để bảo vệ vườn dưa.
Các loại sâu hại phổ biến:
Bọ dưa:
Bọ trưởng thành có cánh cứng, màu vàng nhạt to bằng hạt đậu xanh, đẻ trứng quanh gốc dưa, cắn phá vào sáng sớm hoặc chiều mát. Bọ dưa gây hại nặng khi cây còn nhỏ, lúc 4 – 5 lá. Ấu trùng sau khi nở, sống dưới đất, ăn gặm rễ cây và đục vào gốc làm dưa chết héo.
Phòng trừ: Sau khi thu hoạch, gom dây dưa lại để thu hút thành trùng tới, xong dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt. Bảo vệ cây con tích cực lúc ban đầu. Khi thấy thành trùng bay trong ruộng dưa mà mật số còn ít, sáng sớm hay chiều tối nên soi đèn bắt. Sử dụng thuốc Selecron… phun lúc chiều mát.
Sâu vẽ bùa:
Sâu trưởng thành màu đen, họ cánh màng, đẻ trứng trên lá, dòi đục giữa hai lớp biểu bì lá thành đường hầm, làm lá bị tổn thương, giảm diện tích quang hợp. Sâu gây hại vào vụ Xuân Hè. Thành trùng hoạt động mạnh từ 7 – 9 giờ sáng và từ 4 – 5 giờ chiều.
Phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ xung quanh ruộng dưa trước khi xuống giống. Cày sâu sau khi thu hoạch. Sử dụng màng phủ nông nghiệp. Xuống giống đồng loạt.
- Biện pháp sinh học: Ngoài thiên nhiên ruồi có rất nhiều thiên địch. Nếu áp dụng thuốc trừ sâu nhiều sẽ làm cho mật độ (mật số) ruồi tăng cao và tạo thành dịch dễ dàng.
- Biện pháp hoá học: Nếu mật độ thiên địch trên 50% không cần áp dụng thuốc để trừ ruồi. Nhưng nếu mật độ thiên địch thấp, không thể khống chế mật độ ruồi thì nên sử dụng thuốc khi cây con bắt đầu có lá mầm và lá thật đầu tiên. Ở những vùng ruồi có điều kiện nhân mật số nhanh thì cần phun thuốc lại khi cần. Sử dụng thuốc nhóm gốc lân hoặc gốc cúc như Oncol, Selecron, kết hợp với sử dụng dầu khoáng.
Bọ trĩ:
Gây hại vào vụ Xuân, nhất là thời tiết khô hạn, ấu trùng trắng, sau trưởng thành màu sẫm, chích hút ngọn dưa làm chùn ngọn, khô nõn. Bọ trĩ kháng thuốc mạnh, là trung gian truyền vi rút.
Phòng trừ:
Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên; vệ sinh đồng ruộng để giảm nguồn bọ trĩ sọc vàng tồn tại và lây lan. Trồng cây trong nhà lưới. Gieo trồng cây con khỏe, phủ đất bằng màng phủ nông nghiệp màu bạc. Điều tra chính xác, phun trừ kịp thời những lứa bọ trĩ sọc vàng gây hại giai đoạn đầu ở trên cây. Các loại thuốc sử dụng để phòng trừ bọ trĩ sọc vàng là Confidor 40 SC. Nên phun lúc sáng sớm, khi còn sương, lúc đó chúng khó di chuyển.
Ngoài ra còn một số loại sâu ăn lá, rệp phá cây lúc cây phát triển thân lá mạnh, cần phòng trừ kịp thời ngay từ lúc mật độ sâu còn ít.
Các phương pháp phòng trừ sâu hại phổ biến
- Biện pháp vật lý: Sử dụng tay để bắt sâu hại khi chúng còn ít và chưa bùng nố về số lượng, khi số lượng sâu bọ đã nhiều thì ta có thể sử dụng các loại keo bẫy côn trùng trong vườn. Tuy nhiên một phương pháp tối ưu hơn cả là sử dụng lưới ngăn côn trùng cho vườn dưa. Đây là biện pháp an toàn & hiệu quả nhất để đối phó với tác động từ các loại sâu bệnh.
- biện pháp hóa học: Sử dựng các loại hóa chất có tác dụng diệt côn trùng, sâu bọ. Khuyến cáo biện pháp này có thể gây hại cho người sử dụng cũng như cho người canh tác, chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết và mang bảo hộ đầy đủ.
- Biện pháp Sinh học: sử dụng các loài thiên địch để ngăn cản côn trùng phá hoại (như bọ rùa, bọ ngưa,bọ đất cánh cứng…)
Phòng chống các loại bệnh hại phổ biến trên cây dưa hấu:
Bệnh chết thắt cây con:
Tạo điều kiện thoát nước tốt, không để đất bị úng.
Sử dụng thuốc Amista Top để phòng trừ bệnh.
Bệnh chảy nhựa thân:
Sử dụng màng phủ đất để hạn chế mưa bắn, giảm độ ẩm.
Phun thuốc Amista Top để phòng trừ bệnh.
Bệnh thán thư:
Trồng giống dưa hấu kháng bệnh.
Sử dụng màng phủ đất để hạn chế mưa bắn, giảm độ ẩm.
Phun thuốc Amista Top, Folpan 50 SC, Score 250 ND để phòng trừ bệnh.
Bệnh phấn trắng:
Dọn sạch cỏ xung quanh ruộng dưa để hạn chế nguồn bệnh.
Sử dụng màng phủ đất để hạn chế nấm bệnh phát triển.
Phun thuốc Amista Top hoặc Zineb Bul 80 WP để phòng trừ bệnh.
Bệnh héo vàng hay héo rũ:
Luân canh cây trồng để giảm thiểu nấm bệnh trong đất.
Ghép dưa hấu lên gốc bầu để tăng khả năng chống chịu bệnh.
Phun thuốc Amista Top để phòng trừ bệnh.
Bệnh héo vi khuẩn:
Luân canh cây trồng để giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh.
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng để hạn chế nguồn bệnh.
Tỉa bỏ những cây bệnh để ngăn chặn sự lây lan.
Phun thuốc Amista Top, Peran 50EC, Forvin 85WP, Forsan 50EC, Forwathion 50EC để phòng trừ bệnh.
Bệnh loang lổ quả:
Sử dụng giống và cây con sạch bệnh.
Luân canh cây trồng để giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh.
Định kỳ phun thuốc gốc đồng để phòng trừ bệnh.
Lưu ý:
Nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, kết hợp biện pháp canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học để đạt hiệu quả cao.
Sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc sinh học, an toàn cho người và môi trường.
Luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh, đảm bảo an toàn lao động.
Thu hoạch & bảo quản
Thu hoạch
Ngày thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết, khi quả chín 70 – 80% thì thu hoạch. Để cho chất lượng trái đảm bảo ngon ngọt, trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày cần phải giảm, cắt nước tùy theo vùng đất. Sau đó cắt, vận chuyển nhẹ nhàng. Dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát.
Cách nhận biết quả chín: Quả đạt kích thước tối đa của giống, vỏ quả thể hiện màu sắc của giống, vỏ nhiều phấn trắng, chỗ tiếp giáp đất có màu vàng. Dây, lá dưa, đầu tua ngay đốt quả chuyển vàng. Gõ nhẹ lên quả có tiếng kêu trầm đục. Cắt cuống dài 8 – 10 cm.
Bảo quản
Cho mỗi quả dưa vào một túi nilon, túm chặt lại, để vào chỗ râm mát, không cho ánh nắng chiếu vào. Trường hợp dùng hầm rau hay hầm ở dưới đất để bảo quản dưa thì càng tốt; phải luôn luôn giữ dưa ở trong trạng thái thiếu oxy tự nhiên và ở chỗ có nhiệt độ thấp. Có thể chồng tầng lên nhau nếu bảo quản số lượng nhiều, lót rơm hay cỏ khô giữa các tầng và lớp đáy cuối cùng. Trong quá trình bảo quản, phải thường xuyên kiểm tra, nếu thấy quả nào có hiện tượng xấu thì loại bỏ để tránh lây lan. Dưa đủ tiêu chuẩn có thể bảo quản 15 – 20 ngày.
Sử dụng kho lạnh bảo quản dưa hấu có thể giữ được lâu hơn từ 30 – 35 ngày trở lên. Dưa để bảo quản chọn loại cứng vỏ, cứng cùi, chín 8/10, loại bỏ cuống ở núm. Dùng rượu trắng hay nước muối nồng độ 5% vừa lau vừa rửa vỏ quả. Để vào kho lạnh khô ráo sạch sẽ, không khí lưu thông, điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là khoảng 150C.